Đời người - Chơi giữa vô thường

Nhân dịp ra mắt blog Hqdung.net, xin mượn bài mở đầu trong tập “Chơi giữa vô thường“ của Tiên sinh George Ohsawa (tên thật: Sakurazawa Nyoichi, người truyền bá phong trào thực dưỡng gạo lứt muối mè rộng rãi trên thế giới) để mở bài cho blog, mời các bạn cùng đọc và suy ngẫm

Đời người - Chơi giữa vô thường

Năm tháng trôi qua, thời gian cuộn chảy chẳng khác dòng sông!

Con sông thời gian thật mênh mông, chẳng thấy đâu là mút cùng, đâu là bờ bến! Tất cả mọi vật đều xuôi mình theo dòng chảy, những tàng đá dù to lớn cỡ nào đi nữa cũng nghiêng theo không gượng được, cho đến núi non cũng bị xói mòn sụp lỡ!

Đời người chẳng khác một chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước, hoặc giống như những bọt bóng khi hiện khi tan…, và các cảnh yêu-ghét, vui-buồn, sướng-khổ, v.v…trong đời càng như ảo ảnh chớp nhanh.

Dòng thời gian – năm, tháng, ngày, giờ – chảy trôi miên viễn trong vũ trụ vô biên vô hạn. Đem so sánh với dòng chảy bất tận của thời gian, đời người rõ vô cùng ngắn ngủi. Đời người có lâu dài chăng cũng chỉ khoảng 50 đến 100 năm hoặc hơn chút đỉnh là cùng.

Chơi giữa vô thường - George Ohsawa
Chơi giữa vô thường – George Ohsawa

Có thể so sánh đời người với một hoặc những quyển sách 50 trang; kể từ sách tập đọc của trẻ con chỉ có 5 đến 10 chữ một trang, tức là 200 hoặc 300 chữ trong 50 trang, cho đến những quyển sách chứa hàng nghìn chữ hoặc hàng ức, hàng vạn, hàng muôn, triệu chữ…

Bởi vậy, tính những ai sống trong vòng 50 tuổi thì có người biết được độ 500 chữ, nhưng có người biết đến hàng vạn chữ. Người nào đến lúc chết mà chỉ biết 500 chữ chỉ là một “người lớn trẻ con” (1) và lười biếng; nhưng biết quá nhiều chữ thì là người cực kỳ lao nhọc.

Ngoài số chữ ra, còn có sự khác biệt về ý nghĩa sâu, cạn, khó, dễ. Có những cuốn sách chỉ gồm vài trăm chữ, vậy mà hàm ý nghĩa triết lý cao thâm, thí dụ như quyển Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (2), hoặc Đạo Đức Kinh (3). Nhưng cũng có những quyển sách chứa hàng vạn chữ lại rất cạn hẹp, không thấy có hồn như tập Tự điển chẳng hạn.

Kể ra có rất nhiều loại nào là truyện ngắn giải khuây hoặc truyện dài đẫm lệ, nào là truyện thần thánh nghiêm túc gương mẫu hoặc tập nhật ký của kẻ gian hùng xảo quyệt; có quyển đọc thấy thú vị mạch lạc, có quyển khô khan lộn xộn. Có quyển biểu dương lòng trung tín đầy máu và mồ hôi; có quyển mô tả cảnh tranh giành chém giết; có quyển in mấy tấm danh thiếp quảng cáo; có sách học, có sách biên chép thời tiết, thuốc men hoặc phương pháp mổ xẻ,v.v…

Quyển sách nào là của bạn?

======================

(1) “người lớn trẻ con”: sách xưa có viết “bách tuế chi đồng, tam tuế chi ông”, nghĩa là người lớn tuổi mà không giúp ích cho đời thì chẳng khác gì đứa trẻ, trái lại tuổi nhỏ mà có công với đời thì đáng gọi là “Ông”.

Nguồn: Đời người - Chơi giữa vô thường

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thôi miên cách không đả chưởng - tưởng chỉ có trong phim

Khai vận đỏ - hướng dẫn các phương pháp khai vận